Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Những việc biến bếp gas thành 1 quả bom trong nhà mà các mẹ không hay biết


Mấy vụ nổ bình ga như bom khiến cả gia đình phải đi cấp cứu chắc chắn các mẹ đã từng nghe qua. Thấy hoàn cảnh đó, ai chẳng thương cảm đúng không ạ? Nhưng vấn đề quan trọng nhất là chị em phải tự rút ra bài học cho mình. Sự cố này có thể xảy ra với bất kì gia đình nào mà chỉ 1 giây thôi, mọi thứ sẽ tan thành mây khói luôn đấy các mẹ ạ.

Đừng đổi lỗi tất cả cho nhà sản xuất nhé, đó chỉ là một phần rất nhỏ thôi. Thực tế là nổ bình ga phần lớn là do cách sử dụng bừa bãi, không tôn trọng hướng dẫn của các bà nội trợ. Xin hỏi các mẹ ở đây, có bao nhiêu người đun nấu xong sẽ khóa van ga? bếp ga nhà các mẹ bao lâu rồi chưa thay? các mẹ có chú ý đến việc đặt để bếp ga như thế nào cho an toàn không? Chắc chắn là có rất nhiều chị em sẽ "ngớ người" khi nghe những câu hỏi này. Cứ như vậy bảo sao mà chẳng cháy nổ hả các mẹ!

1. Không khóa van ga sau khi nấu ăn

Nhiều người sau khi tắt bếp thì không hề khóa van bình ga, chẳng phải vì quên mà do họ nghĩ không khóa cũng chẳng vấn đề gì và muốn để như vậy cho tiện lợi. Sự thật là trong điều kiện bình thường sẽ chẳng có gì xảy ra, nhưng bạn nên nhớ, một khi không khóa van bình ga thì khí ga sẽ còn lưu lại trong đường ống dẫn. Nếu đường ống dẫn bị chuột cắn, bị rạn nứt hay điểm nối giữa dây dẫn và bình ga không được xiết chặt, thì khí ga sẽ rò rỉ ra ngoài. Chỉ cần khí này tiếp xúc với tia lửa điện sẽ gây ra cháy nổ cực kì nguy hiểm.

Cách tốt nhất là sau khi nấu nướng xong, bạn khóa van bình ga rồi chờ cho lửa trên bếp tắt hết thì mới tắt bếp. Làm vậy thì sẽ không còn tồn dư khí ga trong đường ống dẫn nữa.

2. Để bếp gần các thiết bị điện, các vật dễ bắt lửa

Hầu hết, bếp ga nhà bạn sẽ không đứng một mình mà xung quanh còn bao la nồi cơm điện, ấm đun siêu tốc, lò vi sóng... Đây cũng là mối nguy đáng sợ mà nhiều người không để ý. Một khi xảy ra sự cố chập cháy, tất cả số này sẽ đồng loạt gây ra vụ cháy nổ kinh khủng hơn. Nếu có thể, hãy giữ khoảng cách giữa các thiết bị này.

Bên cạnh đó, hầu hết các gian bếp hiện nay đều được thiết kế để người dùng đặt bình ga trong tủ bếp rồi đóng cửa tử lại cho gọn gàng. Kiểu này tuy đảm bảo thẩm mỹ nhưng lại không hề an toàn chút nào. Nếu khí ga có bị rò rỉ thì trong trường hợp không gian thoáng đãng, khí còn có điều kiện phân tán ra bên ngoài, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Ngược lại khi đặt trong tủ kín thì sẽ khó phát hiện mùi khí ga, dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao khi bật bếp hay bật/tắt các thiết bị điện gần đó.

3. Mua bình ga không quan tâm địa chỉ

Thông thường, chị em thường "gọi ga" ở những địa chỉ gần nhà cho tiện lợi. Nếu đã duy trì thói quen này nhiều năm rồi mà chưa thấy dấu hiệu gì nguy hiểm nào thì cũng có thể yên tâm phần nào. Tốt nhất là bạn nên kiểm tra chính xác xem mình đang sử dụng ga của hãng nào, có đảm bảo uy tín không? Đại lý ga bạn hay mua có phải là nơi chất lượng tốt, giảm thiểu tối đa nguy cơ bán hàng giả, hàng nhái không? Một số hãng ga uy tín như: Teka, Gas petrolimex, Shell, Total,...

Ngoài ra, khi thay bình ga, bạn nên quan sát xem bình phải còn nguyên vẹn, không trầy xước, không hoen rỉ hay móp méo.

4. Sử dụng bếp ga quá lâu năm mà không "bảo trì"

Thông thường nguyên nhân các vụ nổ khí gas xảy ra khi gas bị rò rỉ do vỏ bình thủng, van bị hở, dây dẫn bị chuột cắn... Đặc biệt ống dẫn gas là bộ phận "nhạy cảm" dễ bị rò rỉ, nên tốt nhất sau từ 3 đến 5 năm sử dụng, người dân nên tự giác thay mới.

Hơn nữa, bạn cũng nên thay bếp mới nếu bếp cũ bị rỉ sét, kém chất lượng hoặc ít nhất là hãy kiểm tra nó thường xuyên để chắn chắn về độ an toàn của các thiết bị.

5. Dùng bật lửa, điện thoại di động dể kiểm tra bếp ga

Gas là khí không màu, không mùi, không vị nhưng khi sản xuất, người ta trộn thêm chất phụ gia có mùi thối vào để người dùng dễ nhận biết nếu gas bị rò rỉ. Khi ngủi thấy mùi đặc trưng này, nhất là vào ban đêm, mọi người thường có thói quen bật đèn hoặc hộp quẹt để kiểm tra bình gas.

Tuy nhiên các chuyên gia an toàn cháy nổ khuyến cáo, do gas bắt lửa rất nhạy nên bật đèn, quạt, điện thoại di động có thể phát ra tia lửa, gặp khí gas dễ gây cháy. Việc cần làm đóng van ga ngay lập tức, mở các cửa cho thông thoáng để gas tự bay ra ngoài, giảm nồng độ khí cháy trong bếp.


ga
Hình minh họa
Nguồn:webtretho.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét