Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Bếp cồn và sự nguy hiểm khôn lường


Bếp cồn ngày càng phổ biến và được rất nhiều nhà hàng quán ăn lựa chọn do sự tiện lợi, sạch sẽ mà bếp cồn đem lại nhưng đi cùng với đó là những hiểm họa ẩn kinh khủng từ bếp cồn. Và mới đây nhất lại thêm một vụ thương tâm khi 11 người bị bỏng nặng khi đi ăn cưới mà lý do chính từ "bom hẹn giờ trên bàn tiệc" này


DnkZK58Qrem8ovY6JxWgNpLtt_MRU79TxjJBoODXwK-RUeSRMhS1Yg4CKODYJcwwCB5qvf55kPdMUC6Iu1mX2w8xKVacsA
Hình minh họa


Hôm qua ngày 28-8, bác sĩ Nguyễn Ngọc Cường, trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết trưa cùng ngày đã cấp cứu 11 người bị bỏng lửa cồn khi đang ăn đám cưới tại xã Trường Long (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ).

Sau khi sơ cứu giảm đau cho các nạn nhân tại chỗ, có một nạn nhân là ông Trần Văn Uô l (62 tuổi, ở xã Trường Long) bị bỏng trên 50% kèm chấn thương bụng nên đã được chuyển lên TP.HCM điều trị.
Còn lại 7 trường hợp bỏng khác được chuyển lên khoa Bỏng - tạo hình thẩm mỹ tiếp tục điều trị; 3 trường hợp nhẹ hơn đã được cho về.

Bác sĩ Tần Ngọc Sơn, trưởng Khoa Bỏng - tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết 7 nạn nhân điều trị tại khoa bị bỏng ở vùng mặt, ngực, lưng và tay chân, tỉ lệ từ 17% đến nặng nhất là 42%. Theo bác sĩ Sơn, các nạn nhân bị bỏng lửa cồn thường rất nặng và để lại di chứng nặng nề nên thường phải ghép da.


chay-do-con-1503913038
Nạn nhân trong vụ việc thương tâm đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh Tuổi trẻ


Theo lời kể của các nạn nhân này, vụ việc xảy ra khoảng 9h sáng cùng ngày. Trong khi đang ăn cưới ở xã Trường Long, bếp trên một bàn hết cồn.

Nhân viên phục vụ đã lấy can cồn nước 10 lít đem tới bàn, rót ra chén để châm vào bếp. Lúc này lửa trong bếp đang cháy nên bùng lên. Nhân viên này hoảng hốt quăng can cồn nên lửa cháy lan ra 3 bàn xung quanh.

Nhiều tai nạn thương tâm


anhchotT11KHCN_1069c
Trước đó đã có rất nhiều tai nạn kinh hoàng do bất cẩn trong sử dụng bếp cồn


Thời gian qua rất nhiều người bị phỏng liên quan đến cồn nước, có trường hợp bị nặng đã tử vong. Rất nhiều trường hợp nhân viên phục vụ sơ ý và thực khách cũng không chú ý nên khi cồn vừa tiếp xúc với lửa trong bếp đã bùng cháy. Thường thì trong các vụ tai nạn về cồn chỉ những người xung quanh lãnh đủ còn người châm cồn thì “bình an”

Trước đó tại TPHCM xảy ra một vụ tai nạn phỏng do cồn. Ngồi trên giường bệnh, anh Võ Minh Nam cho biết tối 8-3, vợ chồng anh và 2 người bạn đi ăn lẩu tại một quán ăn ở quận Thủ Đức. Đang ăn thì bếp gần hết cồn, nhân viên phục vụ mang can cồn nước đến châm thêm thì cồn phụt lửa, làm phỏng vợ chồng anh và một người bạn.

Lâu hơn, tại Đồng Tháp, thấy bếp nấu lẩu tắt lửa, người lớn châm thêm cồn nước vào thì ngọn lửa bốc lên, cồn cháy văng tung tóe làm bị thương 3 trẻ em, trong đó một em bé 7 tuổi bị phỏng đến 95% cơ thể, hiện đang nguy kịch. Còn tại An Giang, tranh thủ giờ nghỉ trưa, nhóm thợ hồ rủ nhau chiên đậu hũ bằng bếp cồn. Thấy lửa cháy yếu, một người trong nhóm thợ đổ thẳng can cồn nước vào bếp, ngọn lửa bùng lên. Hoảng hốt, anh này vung tay ném can cồn trúng vào người ngồi đối diện. Trong tích tắc ngọn lửa đã bao trùm toàn thân anh Nguyễn Văn T. (40 tuổi, ngụ tại Châu Thành, tỉnh An Giang), làm anh bị phỏng rất nặng.

Tại sao bếp cồn lại nguy hiểm đến vậy?

Trên thị trường hiện có bán nhiều loại bếp cồn và các loại cồn khô, cồn nước, có giá rất rẻ. Ngoài các sản phẩm trong nước sản xuất, còn có nhiều loại bếp cồn có xuất xứ từ Trung Quốc được bán với giá thành chỉ từ 60.000 đến 100.000 đồng/cái. 

Các loại cồn khô, cồn nước loại nhập ngoại hay sản xuất trong nước được bán nhiều ở các siêu thị, có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng, cách sử dụng rõ ràng. Ngoài ra, còn có loại cồn xuất xứ từ Trung Quốc được bán trong từng túi ni lông không có nhãn mác, thành phần hóa học. Loại cồn này được tiêu thụ nhiều nhất vì giá thành rất rẻ, chỉ 10.000 - 20.000 đồng/kg.

Dùng bếp cồn thậm chí còn có thể gây ngộ độc

Ngoài tai nạn phỏng, người dùng bếp cồn còn có nguy cơ bị ngộ độc. Theo các chuyên gia y tế, cồn khô nếu chiết xuất từ ethanol tinh khiết, độ cồn đạt từ 95% trở lên sẽ không ảnh hưởng sức khoẻ người dùng. Nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng xấu đã dùng methanol để chế ra cồn, vì giá của methanol rẻ hơn rất nhiều so với ethanol. Hơi của methanol rất độc, có thể hấp thụ qua đường hô hấp gây nhức đầu, cay mắt,… Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng thị lực, thần kinh...

Đối với người bị phỏng, các bác sĩ khuyến cáo, trước khi đưa đến các cơ sở y tế cần sơ cứu tại nhà bằng cách ngâm vùng bị phỏng vào nước lạnh từ 16 – 20 độ ngay lập tức, càng sớm càng tốt. Việc này giúp vùng phỏng được hạ nhiệt tức thời, hạn chế hiệu quả các vết phỏng sâu cho nạn nhân. Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện để tránh những dị tật đáng tiếc.

Phần lớn tai nạn do bất cẩn


N%C3%AAn-d%C3%B9ng-k%E1%BA%B9p-g%E1%BA%AFp-c%E1%BB%93n-kh%C3%B4-l%C3%BAc-b%E1%BA%BFp-%C4%91ang-ch%C3%A1y-%C4%91%E1%BB%83-tr%C3%A1nh-b%E1%BB%8B-b%E1%BB%8Fng-tay
Hình minh họa


Theo các nhà khoa học, cồn khô loại tốt, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng phải là loại cồn khô được chiết xuất từ ethanol tinh khiết, độ cồn đạt từ 95% trở lên. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, các loại cồn khô, cồn nước không rõ nguồn gốc thường là loại chiết xuất từ methanol, do giá thành của methanol rẻ hơn ethanol rất nhiều (1kg methanol có giá chỉ bằng 1/3 so với 1 kg ethanol). 

PGS-TS Ngô Sỹ Lương, Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết các loại cồn khô được chiết xuất từ ethanol không độc hại và an toàn về sức khỏe cho người sử dụng. Tuy nhiên, các loại cồn chiết xuất từ methanol có thể gây ngộ độc cho người do hơi methanol bay ra bị hấp thụ vào đường hô hấp, có thể làm cay, rát mắt. Đặc biệt, nên hạn chế sử dụng cồn nước vì nếu để đổ ra ngoài hoặc đổ lên người sử dụng sẽ bốc cháy rất nhanh, dễ gây phỏng nặng.

Anh Mạnh Hùng, chủ một cửa hàng bán bếp gas, bếp cồn ở quận 5 - TPHCM, cho biết đa phần các vụ tai nạn do bếp cồn gây ra xuất phát từ lỗi bất cẩn, chủ quan của người sử dụng. Phải nhớ rằng cồn là loại bắt cháy rất nhanh, rất nguy hiểm. Vì thế khi sử dụng, người dùng cần mua loại bếp có chất lượng tốt, chắc chắn; cần sử dụng loại cồn khô có ghi rõ thành phần, trong đó có ethanol, hạn chế sử dụng cồn nước.

Trong quá trình sử dụng phải rất cẩn thận, khi bỏ cồn vào bếp nên dùng kẹp gắp cục cồn, không sử dụng bằng tay, nhất là khi bếp vẫn đang còn cháy. Khi châm lửa vào bếp cồn nên dùng giấy hoặc thanh củi nhỏ, tuyệt đối không nên dùng quẹt gas vì dễ gây phỏng. Ngoài ra, khi nấu nướng, tránh sử dụng nồi quá lớn, quá nặng đặt lên bếp vì có thể làm đổ bếp, cồn cháy lan ra ngoài gây phỏng. Đặc biệt, không được cho trẻ con đến gần bếp cồn đang cháy.

Khi bị bỏng lửa cồn cần sơ cứu ban đầu như sau:

- Cởi bỏ quần áo, giày dép có tác nhân gây bỏng. Ngâm vào nước lạnh từ 16 – 20 độ ngay những giây phút đầu tiên, càng sớm càng tốt, nếu để từ 15 – 30 phút sau mới ngâm thì ít hoặc không có tác dụng nữa.

- Dùng băng gạc chặt chỗ bỏng và nhanh chóng chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa gần nhất để sơ cứu tránh dị tật về sau.

- Để tránh nhiễm khuẩn tuyệt đối không bôi dầu, mỡ, tương, nước mắm, đắp muối, bùn hay sơ cứu bằng rượu… lên vùng bỏng vì sẽ làm tăng tình trạng sốc, khả năng nhiễm khuẩn vết thương của bệnh nhân. Không làm vỡ các đám da phỏng nước.

Sử dụng bếp cồn cần chú ý để bếp tắt hẳn rồi mới thêm cồn mới, nhất là với cồn nước vì dù không có khả năng gây nổ nhưng lại dễ cháy lan nhanh. Khi mồi lửa lại nên dùng giấy, thanh củi nhỏ, không nên dùng bật lửa quẹt trực tiếp vì dễ gây bỏng. Trong trường hợp bếp đang cháy nếu bỏ cồn vào bếp nên dùng kẹp sắt gắp cồn (cồn khô), bình châm cồn gắn vòi kim loại (cồn nước), không sử dụng bằng tay. Bếp cồn cũng cần mua loại bếp có chất lượng tốt, chắc chắn. 

Nguồn: webtretho.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét